BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KỲ THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2024
ĐỀ THI CHÍNH THỨC Bài thi: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích:
Tôi từng đứng trước dòng sông và nhìn nước chảy. Chảy trong ban mai, chảy trong hoàng hôn và chảy trong bóng tối. Và tôi nghĩ về lịch sử của sự sáng tạo. Lịch sử của sáng tạo nghệ thuật trên thế gian này giống như sự chảy của dòng sông. Không bao giờ ngưng nghỉ. Thế hệ trước này tiếp thế hệ trước đó đã tạo ra vẻ đẹp huy hoàng của những dòng sông. Cũng như thế hệ nghệ sĩ này tiếp thế hệ nghệ sĩ khác tạo nên lịch sử nghệ thuật của nhân loại. Các thế hệ nghệ sĩ luôn mang lại một sức sống mới cho nghệ thuật. Họ tiếp nhận sự truyền cảm của thế hệ trước. Nếu không có những thế hệ nghệ sĩ trước đó thì các nghệ sĩ của thế hệ tiếp theo sẽ không có nguồn lực để sáng tạo và khai phá. Nhưng nếu không có những nghệ sĩ của thế hệ tiếp theo thì nghệ thuật bắt đầu rơi vào bãi đóng và dần bị hủy diệt. Tất cả giống như nước chuyển dòng trong một dòng sông. Sự mới mẻ trong nhịp chảy của nước chính là sự sống của dòng sông. Việc các nghệ sĩ thế hệ tiếp theo chỉ sao chép nghệ thuật của các nghệ sĩ đi trước chính là sự “ngưng chảy” của con sông nghệ thuật. Và đây là cái chết.
Đừng bao giờ tách rời con nước hôm qua với con nước hôm nay. Đừng tách rời các thế hệ nước ra khỏi con sông, cũng đừng tách rời các thế hệ nghệ sĩ ra khỏi dòng chảy của nghệ thuật. Đại dương mênh mông không phải là một khối bất động. Nó chứa đựng những giọt nước trong sự thống nhất thẳm sâu và có cả chia rẽ. Nếu tách rời từng giọt nước ra khỏi sự thống nhất của đại dương thì chúng ta chỉ nhìn thấy những giọt nước nhỏ bé, đơn độc và dần dần biến mất. Khi tôi chạm tay vào con sông, tôi thấy sự tinh khiết và sức chảy của nước. Trong sự tinh khiết và sức chảy của nước hôm nay chưa đựng sự tinh khiết và sức chảy của nước từ ngàn năm trước.
(Trích Dòng sông và những thế hệ nghệ sĩ của nước, Nguyễn Quang Thiều,
Viết & đọc – Chuyên đề mùa thu 2023, Nhiều tác giả, NXB Hội Nhà văn, 2023, tr. 8)
Trả lời các câu hỏi sau:
Câu 1. Theo đoạn trích, điều gì tạo nên lịch sử nghệ thuật của nhân loại?
Câu 2. Trong đoạn trích, nếu không có những thế hệ nghệ sĩ trước đó thì các nghệ sĩ của thế hệ tiếp theo sẽ như thế nào?
Câu 3. Việc liên tưởng dòng chảy của con sông với lịch sử sáng tạo nghệ thuật trong đoạn trích có tác dụng gì?
Câu 4. Từ suy ngẫm của tác giả “Nếu tách rời từng giọt nước ra khỏi sự thống nhất của đại dương thì chúng ta chỉ nhìn thấy những giọt nước nhỏ bé, đơn độc và dần dần biến mất”, anh/chị rút ra bài học gì về lối sống cho bản thân?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính.
Câu 2 (5,0 điểm)
Trong đoạn trích Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng), nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết:
Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể.
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…
Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”
Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ
(Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr. 118-119)
Anh/Chị hãy phân tích đoạn thơ trên; từ đó, nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm được thể hiện trong đoạn thơ.
HẾT
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
—-HẾT—